Kiểm định chất lượng giáo dục là yêu cầu khách quan trước xu thế hội nhập quốc tế và là yếu tố có tính quyết định đối với các cơ sở đào tạo
Mục đích chính của kiểm định chất lượng đào tạo là nhằm bảo đảm đạt được những chuẩn mực nhất định trong đào tạo và không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng nguồn nhân lực và bảo đảm quyền lợi cho người học.
Công khai chất lượng với xã hội
Việc kiểm định chất lượng đào tạo giúp người học, phụ huynh hoặc tổ chức, cơ quan lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp để người học tham gia học tập theo đúng nhu cầu, mục tiêu cần được đào tạo. Hoạt động này cũng cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về chất lượng đào tạo, góp phần minh bạch thông tin về chất lượng đào tạo. Việc các trường tham gia kiểm định chất lượng giáo dục là căn cứ, minh chứng xác thực để các cơ sở đào tạo có thể kêu gọi đầu tư từ các tổ chức xã hội. Từ kết quả kiểm định chất lượng, các cơ sở đào tạo có được định hướng lựa chọn của người học để bảo đảm hoạt động đào tạo của cơ sở có chất lượng, hiệu quả, phù hợp với khả năng người học.
Năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản yêu cầu các trường ĐH tự đánh giá để tiến đến đánh giá ngoài nhưng việc này mới được các trường chú trọng trong thời gian gần đây. Hiện tại, cả nước có khoảng 30 trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng, riêng khu vực TP HCM có 12 trường ĐH được công nhận đạt chuẩn chất lượng gồm: ĐH Công nghiệp TP HCM, ĐH Luật TP HCM, ĐH Kinh tế TP HCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Sài Gòn, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, ĐH Giao thông Vận tải TP HCM.
Để được kiểm định chất lượng của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, các trường ĐH phải đáp ứng đủ 10 tiêu chí của bộ tiêu chuẩn bao gồm: sứ mạng của các cơ sở giáo dục ĐH; tổ chức điều hành, quản lý và công tác lập kế hoạch; giảng dạy và đào tạo; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đội ngũ giảng viên; tư liệu học tập; sinh viên và dịch vụ sinh viên; cơ sở vật chất và trang thiết bị; quản lý tài chính; công bố công khai các thông tin của cơ sở đào tạo. Thông qua quá trình triển khai tự đánh giá ở cả hai cấp - trường và chương trình đào tạo, các khoa và các đơn vị/bộ phận hỗ trợ đào tạo trong trường đã tổ chức các hoạt động dạy và học đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chuẩn.
Hiệu trưởng một trường ĐH cho rằng kiểm định chất lượng là thước đo chất lượng của các trường ĐH. Chất lượng là điều cốt lõi tạo nên thương hiệu của một trường ĐH nhưng để làm nên chất lượng trong giáo dục ĐH đòi hỏi một quá trình lâu dài cùng với quyết tâm, kiên trì của lãnh đạo và sự đồng lòng của tập thể nhà trường.
Trường đạt chuẩn có nhiều lợi ích
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Để người dân biết được chất lượng đào tạo của trường thì tất cả trường trong hệ thống phải được đánh giá kiểm định bằng một thước đo chung… Bằng tốt nghiệp, cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp trường đạt chuẩn kiểm định có giá trị khác biệt đối với trường không đạt chuẩn kiểm định.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết những trường đạt chuẩn chất lượng mang lại nhiều lợi ích. Trước hết là các trường ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình bởi đạt chất lượng kiểm định tức là trường có đủ điều kiện để tổ chức đào tạo bảo đảm chất lượng. Những người tốt nghiệp trường đó có bằng cấp giá trị hơn, họ có thể sẽ dễ xin việc làm hơn hoặc học tiếp và trao đổi hợp tác quốc tế cũng dễ dàng hơn. Thứ hai, qua kết quả kiểm định, nhà trường cũng khẳng định được với xã hội và cơ quan chủ quản là đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, các trường cũng sẽ thuận lợi hơn trong liên kết đào tạo và hợp tác với nước ngoài.
Nguồn tham khảo Báo Người lao động (https://nld.com.vn/giao-duc/kiem-dinh-chat-luong-yeu-cau-song-con-cua-cac-truong-dh-20170615175920133.htm)